Khoảng một tuần trước, HLV trưởng ĐT Brazil, Carlos Dunga công bố danh sách các cầu thủ sẽ tham dự 2 trận giao hữu sắp tới với Argentina và Nhật Bản. Bản danh sách lập tức nhận được sự chú ý đặc biệt bởi sự xuất hiện của một nhân tố vừa mới vừa cũ, đó chính là Ricardo Kaka. Sau một năm rưỡi vắng bóng tại ĐTQG, Quả bóng vàng thế giới ngày nào đã lại được khoác trên mình chiếc áo vàng-xanh quen thuộc. Khỏi phải nói những người hâm mộ Kaka nói riêng và các CĐV Brazil nói chung vui mừng như thế nào. Kaka luôn là một trong những người nhận được nhiều sự yêu mến nhất từ dư luận vì gương mặt điển trai, tài năng bóng đá và trên cả là sự khiêm tốn, và trong số những người yêu mến đó có cả Carlos Dunga.
Thế nhưng phải lật lại vấn đề, gạt hết những yếu tố xung quanh và tự hỏi rằng liệu việc để Kaka quay trở lại ĐTQG vào thời điểm này có phải là quá cảm tính với Dunga hay không? Ngay khi lên nhậm chức thay cho Luiz Felipe Scolari, chính ông là người đã tuyên bố sẽ có một cuộc cách mạng và trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, tuy nhiên thay vào đó ông lại gọi lại Kaka, một người đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Không thể phủ nhận rằng Kaka đã có những bước hồi sinh trong màu áo Sao Paolo, đội bóng mà anh đã khởi nghiệp, tuy nhiên như thế vẫn là chưa đủ để có một suất tại ĐTQG. Với việc chuyển Sao Paolo theo dạng cho mượn từ Orlando City, Kaka mới chỉ có duy nhất 1 bàn thắng cho đội bóng của Brazil và thường xuyên tỏ ra không đảm bảo thể lực để đá đủ 90 phút.
Nhớ lại hồi World Cup 2010, Dunga cũng chiếu cố để Kaka tham dự Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và đá tất cả các trận, bất chấp việc anh đã dính chấn thương từ trong năm khi thi đấu cho Real Madrid. Kết quả cuối cùng Kaka thi đấu cực kỳ mờ nhạt và Brazil dừng bước ở vòng tứ kết trước Hà Lan. Sau giải đấu năm đó, chính Kaka đã thừa nhận anh không ngờ rằng dư chấn của chấn thương lại ảnh hưởng tới phong độ của mình nhiều đến vậy. Nếu như người ta trách sự tham lam của Kaka một thì phải trách sự không tách bạch tình cảm và công việc của Carlos Dunga mười. Giờ đây lịch sử có vẻ như đang lặp lại khi Dunga đang ưu ái một cầu thủ đã xuống sức và không còn phù hợp với lối đá mới của Brazil, một lối đá hiện đại và phù hợp với những cầu thủ có thể lực dồi dào. Trước đây Kaka có thể là một sự chọn tuyệt vời, nhưng giờ thì không.
Đáng nói hơn nữa khi Dunga đã giành chỗ cho Kaka mà vô tình bỏ quên một cầu thủ khác đang thi đấu cực kỳ lên chân là Lucas Moura. Với những ai chứng kiến PSG thi đấu, có thể nói Moura đã để lại ấn tượng không nhỏ với sự trưởng thành cực kỳ nhanh chóng. Từ một tài năng trẻ được Manchester United thèm muốn, giờ đây Moura đã tiến bộ vượt bậc và trở thành một trụ cột của Paris Saint Germain. Mùa giải năm ngoái, Moura chỉ nghỉ đúng 2 trận ở Ligue I, có 5 bàn thắng và sở hữu 11 đường kiến tạo cho đồng đội. Có thể chơi tốt cả ở vai trò tiền vệ tấn công lẫn tiền đạo cánh, Moura đã giúp HLV Laurent Blanc có nhiều phương án lựa chọn về chiến thuật hơn trong lối chơi của PSG. Cùng với đó, khả năng cầm bóng và kỹ thuật cá nhân điêu luyện cũng giúp Moura trở thành ông chủ nơi tuyến giữa của đội bóng thủ đô nước Pháp.
Tuy nhiên bất chấp những thành tích kể trên, tiền vệ 22 tuổi này vẫn luôn bị hắt hủi ở ĐTQG. Việc không được HLV Scolari triệu tập vào đội hình tham dự World Cup vừa rồi đã là một thiệt thòi lớn với Moura, giờ đây khi HLV Dunga lên nắm quyền, Moura một lần nữa lại bị cho vào quên lãng bởi một người gần như đã hết thời như Kaka.
Đây có thể coi là một trong những ví dụ điển hình cho căn bệnh ngôi sao của ĐT Brazil. Đã có biêt bao nhiêu tài năng sinh ra và trở thành những ngôi sao tầm cỡ ở đất nước Nam Mỹ này, họ là người mang vinh quang về cho tổ quốc và góp phần làm nên bản sắc của Selecao. Tuy nhiên mọi việc đều có hai mặt của nó, khi các cầu thủ này xuống phong độ và không còn đạt yêu cầu, họ vẫn nghiễm nhiên có một suất trong ĐTQG, một phần vì các HLV “cả nể” những cống hiến của họ, một phần vì tầm ảnh hưởng quá lớn của họ lên 200 triệu người dân Brazil, những con người cuồng nhiệt vì bóng đá. Tình hình đó đã kéo dài suốt nhiều năm, và những ngôi sao của quá khứ như Ronaldo, Ronaldinho hay hiện tại là Kaka vẫn dược ưu tiên xếp trước những tài năng trẻ, khiến cho nền bóng đá Brazil mãi sống trong hào quang của quá khứ mà không thể hướng tới tương lai.
Kỳ World Cup vừa rồi đã bày ra đầy đủ những yếu điểm của Brazi nhưng cũng chỉ có thể trách Scolari một phần về những thành tích bết bát ấy. Chưa bao giờ người ta thấy một ĐT Brazil nghèo nàn nhân tài đến như thế, để rồi khi Neymar gặp chấn thương, toàn bộ những cầu thủ còn lại suy sụp tinh thần và dẫn tới những trận thua đậm. Tất cả đã kỳ vọng vào một sự thay đổi ở Dunga với việc triệu tập những cầu thủ từng bị ghẻ lạnh như Coutinho, Miranda hay Ganso, tuy nhiên việc loại Moura và thay vào đó là Kaka rất có thể sẽ lại làm căn bệnh cũ của Brazil tái phát.
Và chừng nào chưa triệt tận gốc căn bệnh đó, cuộc cách mạng của Dunga mãi chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời mà thôi.
Thế Hưng