Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Jose Mourinho đã xây dựng xong "Chelsea trong mơ"

Thứ Hai 21/07/2014 14:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Đặt giả thuyết, Chelsea vẫn mua sắm cầu thủ chứ chẳng phải "khoá sổ chuyển nhượng" như tuyên bố của "Người đặc biệt" sau khi hoàn tất thương vụ Filipe Luis thì cần phải thừa nhận, lực lượng của The Blues hiện đã rất hoàn chỉnh, đủ giúp họ chinh phục mọi đỉnh cao.

Nếu nhìn sơ qua thì tính đến thời điểm này rõ ràng, quân số đội 1 của Chelsea không hề bị phình to về mặt số lượng (họ mua Cesc Fabregas, Diego Costa và Filipe Luis trong khi đã chia tay Ashley Cole, David Luiz, Frank Lampard, Demba Ba và Samuel Eto’o) tuy nhiên chất lượng được cải thiện đáng kể và tuổi đời trung bình được giảm xuống mạnh. Này nhé, kể cả vừa trải qua kỳ World Cup 2014 tệ hại thì đẳng cấp săn bàn của Diego Costa, cầu thủ chỉ thua kém duy nhất Ronaldo trong cuộc đua "Vua phá lưới" La Liga mùa giải 2013-2014, vẫn được thừa nhận và tất nhiên, hoàn toàn ăn đứt Samuel Eto'o hết thời hay Demba Ba chỉ phù hợp với những CLB nhỏ. Cesc Fabregas cũng đang trên đỉnh cao phong độ, lại quá quen thuộc với đấu trường Premier League còn Lampard dù vẫn chơi rất ổn nhưng anh đã 35 tuổi.

jose mourinho
Mourinho đã có trong tay đầy đủ quân bài phục vụ cho kế hoạch thâu tóm các danh hiệu

Trường hợp của Ashley Cole tương tự như vậy khi già hơn, yếu hơn một Filipe Luis thi đấu đầy ấn tượng ở Atletico Madrid mấy năm gần đây. Trong khi việc bán David Luiz cho PSG để thu về số tiền kỷ lục thế giới dành cho một hậu vệ (50 triệu bảng) đúng là bước đi khôn ngoan của Mourinho, nhất là khi trung vệ người Brazil không hề phù hợp với triết lý của ông. Cứ cho Luiz sẽ toả sáng ở PSG khi được sát cánh bên cạnh đối tác thân thiết Thiago Silva chứ không đến mức tệ hại như hai trận cuối cùng tại World Cup 2014 thì Mourinho vẫn chẳng có lý do gì để phiền muộn. Đừng quên rằng, trong bóng đá hiện đại, một đội bóng bao giờ chẳng mang tư tưởng của nhà cầm quân và việc họ có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào người thuyền trưởng chứ đâu phải chỉ cần tập hợp toàn cầu thủ giỏi là chắc chắn có danh hiệu.

Như vậy, bộ khung chính thức của Chelsea mùa tới về cơ bản đã được thiết lập và thực sự "chất" hơn, "trẻ" hơn mùa trước, ít nhất trên khía cạnh lý thuyết. Không những vậy, nhìn tổng thể, đội hình Chelsea vô cùng hùng hậu, đồng đều và có chiều sâu thuộc vào diện tốt nhất Premier League hiện nay. Bên cạnh khoảng 14-15 cầu thủ "nòng cốt" thì The Blues không thiếu các phương án dự phòng sáng giá nhờ vào chính sách "tuyển mộ nhân tài trẻ" được triển khai đầy hiệu quả vài năm gần đây. Mùa trước, theo ước tính, đã có gần... 20 sao trẻ được Chelsea gửi đi học việc tại các CLB và trong số này, không ít người đủ chín muồi để đứng vào đội hình chính. Có thể tạm kể ra vài cái tên tiêu biểu. Đó là thủ thành đầy triển vọng Thibaut Courtois đã được gọi trở lại Premier League và đủ sức cạnh tranh với "tượng đài" Petr Cech cho vị trí trấn giữ khung gỗ sau những gì đã trình diễn ở Atletico Madrid. Đó là trung vệ Kurt Zouma, tài năng mới sinh năm 1994 nhưng đã là trụ cột nơi hàng thủ đội bóng St Etienne tại Ligue 1 được vài mùa và hoàn toàn có thể cặp Terry - Cahill lúc cần thiết.

Đó là trung phong Romelu Lukaku, chân sút luôn thể hiện rất tốt tại West Brom rồi Everton. Trừ phi Chelsea thực sự đưa huyền thoại Didier Drogba trở lại như lời đồn đại, bằng không khả năng lớn Lukaku sẽ được Mourinho trao cơ hội chứng tỏ mình mùa tới vì chắc chắn ông chẳng thể yên tâm khi chỉ còn duy nhất Fernando Torres làm dự bị cho Diego Costa. Ngoài ra, cần phải nhắc đến Marco van Ginkel, tiền vệ sinh năm 1992 người Hà Lan vốn được Mourinho đánh giá rất cao song đã vắng mặt trong phần lớn mùa truớc do chấn thương đầu gối. Dưới họ một bậc là những Ryan Bertrand, McEachran, Ake, Lewis Baker, Christensen, Piazon mà nếu được Mourinho đặt niềm tin thì hứa hẹn đó là những "nhân tố bí ẩn" đáng gờm. Nói một cách khác, chẳng quá khi nhận định rằng, Chelsea có thể bố trí hai đội hình mạnh tương đương nhau bởi chẳng có vị trí nào của Chelsea mà chỉ có một sự lựa chọn "xịn". Thậm chí Mourinho mà không ứng xử khéo léo, thực hiện chính sách "quay vòng cầu thủ" đúng đắn thì chưa biết chừng, sẽ làm không ít học trò giỏi phải phật ý như Oscar, nhạc trưởng đội bóng mùa vừa rồi nhưng đang đứng trước nguy cơ mất vị trí vào tay Cesc Fabregas; André Schurlle, nhà ĐKVĐ thế giới; Ramires, tiền vệ vừa kỹ thuật vừa dũng mãnh vốn luôn hợp gu Mourinho hay Mohamed Salah, "Messi của Ai Cập". Về cơ bản, với dàn cầu thủ hiện tại cũng như sở trường của Mourinho thì mùa tới, Chelsea sẽ áp dụng một trong hai đấu pháp dưới đây:

Fabregas rất háo hức ra mắt trong màu áo mới
Fabregas hứa hẹn là chủ lực của Chelsea mùa tới

4-2-3-1

Đây vẫn đang là sơ đồ rất thịnh hành và hầu như mọi đội bóng có thể áp dụng bởi tính linh hoạt cũng như có thể khai thác tốt năng lực, trình độ của một cầu thủ bóng đá hiện đại (tức là đòi hỏi kỹ năng phải đạt tới sự toàn diện, thể lực phải dồi dào, có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau). Đặt vào trường hợp của Chelsea thì Petr Cech và Courtois đương nhiên sẽ cạnh tranh quyết liệt ở khung gỗ mà phong độ chắc chắn là nhân tố quyết định ai sẽ được ra sân nhiều hơn. Tại hàng thủ, Cahill - Terry tiếp tục là bộ đôi trung vệ ăn ý còn Ivanovic cùng Filipe Luis sẽ thống lĩnh hai cánh, ít nhất trong giai đoạn đầu mùa. Zouma hay Azpilicueta buộc phải chấp nhận sắm vai dự bị. Bắt đầu từ tuyến giữa thì chắc chắn Mourinho sẽ cực kỳ đau đầu vì có quá nhiều lựa chọn, giải pháp kết hợp mà ai ngồi ngoài cũng là điều đáng tiếc. Nhưng theo tình hình hiện nay thì Matic và Cesc Fabregas sẽ chịu trách nhiệm quán xuyến trung tuyến. Một người sở hữu phong cách mạnh mẽ, kỹ năng đánh chặn đỉnh cao sẽ làm nhiệm vụ càn quét, dọn dẹp hỗ trợ hàng thủ còn người kia với bộ óc tổ chức, tư duy sáng tạo, kỹ năng toàn diện đủ sức trở thành "ông chủ giữa sân", một dạng "nhạc trưởng từ xa" giống như Andrea Pirlo tại Juventus. Trên hàng công, chơi cao nhất đương nhiên là Diego Costa (dự bị là Torres, Lukaku hoặc Drogba nếu "Voi rừng" thực sự tái hợp The Blues. Khi đó, hoặc Torres sẽ phải ra đi hoặc Lukaku lại bị đem cho mượn bởi 3 sự lựa chọn cho một vị trí là quá đủ). Oscar sẽ nhận vai trò hộ công ngay phía dưới chân sút người TBN còn Eden Hazard và Willian (hoặc Salah, Schurlle, Ramires) sẽ có xu hướng lệch cánh. Tất nhiên, để tăng tính đột biến, họ sẽ thường xuyên hoán đổi vị trí. Nếu muốn tăng độ an toàn, chắc chắn cho lối chơi thì Mourinho sẽ sử dụng Ramires hoặc Mikel chơi bên cạnh Matic và lúc đó, Cesc Fabregas sẽ được đẩy lên cao, chiếm lấy vị trí của Oscar.

4-3-3

Dù luôn trung thành với triết lý thực dụng song Mourinho cũng rất ưa thích sơ đồ 4-3-3 vốn mang nhiều hơi hướng của phong cách bóng đá tấn công. Với đấu pháp này thì hệ thống phòng ngự được giữ nguyên và sự điều chỉnh sẽ tập trung nhiều vào tuyến giữa, trong đó Oscar có nguy cơ mất chỗ đứng cao nhất do anh chỉ thích hợp cho vai trò "số 10" mà lại không đa dạng, biến hoá như Fabregas vốn là guơng mặt có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Matic hoàn toàn tạo được sự an tâm khi sắm vai chốt chặn cuối cùng của tuyến giữa và Mikel là giải pháp dự phòng. Cesc Fabregas và nhiều khả năng là Ramires (như đã đề cập, tiền vệ người Brazil rất giàu thể lực, lại biết phòng ngự nên sẽ được Mourinho ưu ái hơn những đồng đội khác) sẽ là "động cơ hai thì", hoạt động như hai con thoi lên công về thủ nhịp nhàng tại khu vực giữa sân. Tam tấu tấn công "số 1" của Mourinho hứa hẹn vẫn sẽ là Hazard - Costa - Willian trong khi trừ phi có biến xảy ra thì Schurlle hay Salah mới chiếm được chỗ đứng thường xuyên, bất kể Chelsea vận hành sơ đồ nào.

Kết luận: Không còn nghi ngờ gì, Mourinho đã đủ "vật liệu" để tạo ra một đội bóng có thể đoạt mọi danh hiệu và chẳng cần phải bổ sung thêm ai, kể cả Drogba bởi xét cho cùng, tay săn bàn huyền thoại người Bờ Biển Ngà cũng chỉ được sắm vai dự bị mà thôi. Vấn đề còn lại chỉ là "Người đặc biệt" sẽ chế biến ra sao để khai thác hết tiềm năng của đội hình hiện có. Trong đó, một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành - bại của Chelsea không hẳn nằm ở số cầu thủ trụ cột bởi đơn giản, họ đều là những tên tuổi đương đại của bóng đá thế giới mà sẽ ở việc, ông giữ ai lại làm phương án dự phòng trong số trên dưới chục cầu thủ 9x tài năng mà Chelsea đang sở hữu. Vì thế, giai đoạn này, Mourinho có lẽ nên tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá những Van Ginkel, McEachran, Oriol Romeu, Moses, Lukaku, Bertrand, Baker, Christensen,...để xem ai hứa hẹn sẽ bùng nổ khi được trọng dung, ai vẫn cần phải tích luỹ thêm kinh nghiệm, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Bảo Phương


Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Bẫy việt vị kiểu Pellegrini: Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Xem thêm
top-arrow
X