Kể từ tháng 3/2003 (Udinese hạ Inter 2-1), Inter chưa từng thua ở Friuli. Nhưng ngày 23/1, họ đã thua toàn diện.
Tất cả các cuộc chạm trán giữa Inter và Udinese trong tháng Một (cả thảy 3 lần) đều kết thúc với tỉ số 0-0, nhưng ngày 23/1, đã có cả một cơn mưa bàn thắng đổ xuống Friuli (và làm tan nát khung thành Inter). Lý do cho sự thay đổi của lịch sử? Leonardo, triết lý bóng đá cảm tử của ông, và một cú đánh đủ mạnh để đập vỡ tan chiếc bình pha lê ấy. Cú đánh ấy chính là Udinese. Đội bóng của Francesco Guidolin, giống như 5 đối thủ trước kia đã nằm xuống dưới gót sắt của Inter-Leo, cũng bị thủng lưới dưới ý định tấn công rất điên rồ của Inter: Bàn thắng đầu tiên lại xuất phát từ một tình huống mà Thiago Motta đã bỏ vị trí tiền vệ trung tâm, lao lên cướp bóng rồi căng cho Stankovic dứt điểm. Nhưng khác với những đội bóng thiếu may mắn đã bị chiếc bình pha lê ấy khuất phục, Udinese đã đánh bại được Inter, thậm chí là đá cho đội bóng của Leo phải tan nát.
"Phép màu" của Leonardo đã chấm dứt
Udinese đã làm được 2 điều mà các 5 kẻ xấu số trước không làm được: Thứ nhất, dám tấn công lại Inter và đập bẹp mọi ý tưởng đẩy những cầu thủ phòng ngự lên cao để tăng cường nhân sự tấn công của Leonardo. Thứ hai, sơ đồ 3-5-2 vận hành rất cơ động của Udinese đã làm rối loạn hệ thống phòng thủ vốn tổ chức rất kém của Inter.
Họ thực hiện điều thứ nhất bằng cách nhồi bóng liên tục (và cực chính xác) vào các khoảng trống xuất hiện do các hậu vệ và tiền vệ phòng ngự dâng cao bỏ lại, và huy động chính các cầu thủ phòng ngự của mình vào nhiệm vụ phản công (ví dụ điển hình là pha đối mặt bất thành của Pinzi sau đường chuyền phản công của Di Natale, trong hiệp một, khi Cambiasso và Stankovic sóng bước hộc tốc chạy về phần sân nhà). Sau đó, những “mũi nhọn” nguy hiểm nhất từ phía sau của Inter (Cambiasso, Maicon, Motta…) đã hoàn toàn “tắt điện”, khi buộc phải tập trung hơn vào phòng ngự và hình thành một sự sợ hãi nhất định trong tiềm thức khi có ý định dâng cao.
Udinese thực hiện điều thứ 2 bằng cách hoán chuyển liên tục các vị trí ở tuyến tiền vệ và hàng công: Pablo Armero xuất phát ở vị trí tiền vệ trái trong sơ đồ 5 tiền vệ, nhưng nhiều tình huống, anh thậm chí còn xâm nhập vòng cấm, và khi ấy, người chơi dạt biên và kiến tạo sẽ là Di Natale. Tương tự là biên phải, khi Isla và Sanchez hoán đổi vai trò.
Ông Guidolin đã sở hữu cặp tiền đạo rất phù hợp cho lối chơi cơ động kiểu này, khi Sanchez và Di Natale đều là những mẫu số “9 rưỡi” có thể vừa đi bóng quấy rối, vừa kiến tạo và đảm nhận luôn vai trò ghi bàn, nhờ tốc độ, kỹ thuật và nền tảng thể lực sung mãn. Sự cơ động của bộ đôi ấy kéo xa khoảng cách cặp trung vệ của Inter, và xáo tung hàng thủ ấy lên (có nhiều thời điểm, Cordoba bị kéo ra sát biên trái, rồi bị vây bắt bởi số đông cầu thủ Udinese).
2 đối sách chính xác ấy của Udinese, kết hợp với sự mong manh trong tổ chức của Inter đã nhanh chóng khiến các nhà ĐKVĐ trở nên kiệt quệ và mất kiểm soát. Maicon vẫn giữ nguyên lối chơi cẩu thả đầy bất trắc (ngay phút thứ 2, anh có một quả phá bóng thẳng về khung thành Inter, và Castelazzi lóng ngóng đẩy bóng bật xà). Cordoba phá bóng như “mời” đối thủ ghi bàn (cú đá hỏng ăn của Di Natale ngay đầu hiệp 2). Trong cả 2 pha ghi bàn của Zapata và Domizzi, hệ thống phòng ngự Inter đã không thể kịp đối phó, khi bóng bật ra và Udinese lập tức “nhồi” trở lại cấm địa. Đó là những vấn đề không mới trong quá nhiều những vết nứt mà hàng thủ Inter lộ ra trên chiếc bình pha lê tấn công của họ.
Tất cả những vấn đề ấy đã không được sửa chữa, bởi những chiến thắng liên tiếp vừa qua đã chôn vùi mọi sự cảnh báo. Nhưng Udinese đã đập vỡ chiếc bình pha lê ấy. Đến lúc dừng lại rồi, Leo…
(Theo Thể Thao Văn Hoá)