Inter đã thắng và thắng rất đậm, nhưng 5 bàn thắng ghi được rất có thể sẽ khiến việc họ để Parma 2 lần chọc thủng lưới trở nên ít được chú ý. Trên thực tế, đó đang là dấu hiệu của thần chết, nếu Rafa và các học trò của ông không kịp thời nhận ra.
Cách đây một tháng, khi Inter giành thắng lợi 1-0 trên sân Genoa hôm 29/10, họ đã là một trong những đội có hàng thủ mạnh nhất châu Âu với chỉ 4 bàn thua trong 9 trận Serie A đầu mùa. Inter đó còn thủ vững hơn cả Inter thời Mourinho, vốn bị coi là cực kỳ thực dụng, và xuất sắc nhất so với thành tích của chính họ kể từ mùa giải 1994-95. Nhưng chỉ trong một tháng, cái thành lũy bằng thép chống đạn ấy đã hóa thành bức tường vôi cát tầm thường. Kể từ sau trận thắng Genoa 1-0, ở Serie A, Inter trận nào cũng thủng lưới, tổng cộng đã là 5 trận liên tiếp và 7 bàn thua. Khi hàng công không còn tạo ra các bàn thắng, sự sa sút của hàng thủ đã khiến Inter thua 2 và hòa 2 trận trước khi vượt qua Parma trong một trận đấu điên rồ.
Dù thắng đậm, Inter Milan vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết
Trong những trận đầu mùa, triết lý chiến thắng của Inter là “Không để đối phương sút tung lưới”, còn trong trận thắng Parma vừa qua, quan niệm đã thay đổi, trở thành “Họ ghi một bàn, chúng ta phải ghi 2 hay 3 bàn đáp trả”. Ghi bàn và ghi nhiều bàn giờ đây là con đường duy nhất để Inter tìm đến chiến thắng, khi hệ thống phòng ngự của họ càng chơi càng tỏ ra dễ bị xuyên thủng. Việc để cho người cũ Crespo sút tung lưới 2 lần ở trận vừa qua có thể được xem nhẹ như lông hồng, thậm chí làm cho chiến thắng của Inter trở nên đáng nể hơn khi bị rơi vào thế ngược dòng, nhưng kỳ thực, không còn gì đáng lo hơn thế.
Đấy đã là trận thứ hai liên tiếp ở Serie A, Inter bị thủng lưới 2 bàn. Nhưng nếu như Chievo 2 lần làm tung lưới Castellazzi bởi các chân sút của họ đã tận dụng tốt thời cơ, thì Parma chỉ có thể ghi được 2 bàn vì họ dứt điểm quá kém. Crespo đã rất xuất sắc khi lập một cú đúp vào lưới đội bóng cũ, nhưng nhẽ ra anh có thể làm được gấp đôi với hàng loạt cơ hội được trao. Cả Giovinco, Angelo và Bojinov đều đã có thể ghi tên mình vào danh sách ghi bàn nếu có thêm chút ít may mắn. Nếu không được khung gỗ cứu thua 3 lần, Inter hẳn đã có một trận đại bại thay vì đại thắng. Giovinco lốp bóng trúng xà khi tỷ số vẫn là 1-0 cho Parma, Angelo sút trúng cột khi tỷ số là 3-2 cho Inter và Crespo đánh đầu bật cột ra ngoài trước khi Stankovic ấn định tỷ số 5-2. Trước đó, ở trận quyết định với Twente, xà ngang cũng đã một lần cứu Inter khỏi bị gỡ hòa.
Sự thiếu vắng các cầu thủ trụ cột Maicon, Julio Cesar, Samuel và Chivu (4/5 vị trí chính thức ở hàng thủ – bên cạnh Lucio) rõ ràng là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của hệ thống phòng ngự Inter, nhưng không phải là tất cả. Chính xác hơn, sự vắng mặt đó làm lộ ra hai điểm yếu chí tử của hàng thủ Inter mùa này: sự già cỗi và đội ngũ dự bị thiếu chất lượng. Các cầu thủ thường xuyên đá chính gục ngã vì kiệt sức đã đành, nhưng ngay cả những người được đá thay cũng không có sự mạnh mẽ cần thiết, trong khi việc quá lâu không được thi đấu khiến họ chơi rất lóng ngóng, vô tình làm hại đội nhà (như Materazzi đốn ngã Ibra khiến Inter thua derby). Có cảm giác chỉ cần một chút tốc độ là hàng thủ Inter sẽ vỡ tan, như điều mà những Bale, Giovinco, Constant hay Angelo đã chứng tỏ.
Sau cơn mưa, trời vẫn chưa sáng. Benitez hẳn biết rằng không phải trận nào Inter cũng có thể ghi được nhiều hơn 2 bàn và không phải lúc nào họ cũng được may mắn kề bên. Trận đấu sắp tới trên sân Lazio sẽ là một thực tế khác hẳn. Đội bóng đang đứng nhì bảng Serie A sẽ không “hồn nhiên” như Parma, và có lẽ cũng không kém may mắn đến vậy. Khi cơn mưa gôn vào lưới Parma không gì khác hơn là một hiện tượng bột phát, Benitez chỉ còn cách vá lại hàng thủ đang rách tả tơi của Inter nếu muốn giành được cái gì đó từ sân Olimpico. Nhưng ông sẽ làm thế nào, khi cả Maicon, Julio Cesar và Chivu đều chưa kịp bình phục?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)