Những lời cáo buộc lẫn nhau các tội danh nghiêm trọng, bao gồm đưa hối lộ, tham nhũng và gian lận đã khiến quá trình chọn nước chủ nhà đăng cai World Cup 2018 và 2022 đứng trước những thử thách lớn.
Có hai cuộc đua cùng song song diễn ra để giành quyền đăng cai hai kỳ World Cup đó. Một diễn ra công khai, trên những tờ bướm giới thiệu nước đăng cai, những bài phỏng vấn của các đại diện và cố vấn, những chiến dịch rầm rộ. Một cuộc đua khác, được giữ càng bí mật càng tốt, diễn ra trong các phòng VIP khách sạn, những cuộc gặp gỡ riêng và các phòng chờ sân bay. Đó là một cuộc chiến thật sự giữa các ứng viên đăng cai để thuyết phục 24 thành viên trong Ủy ban điều hành của LĐBĐ thế giới (Exco FIFA) rằng giải đấu nên được tổ chức ở đất nước họ.
Trước những tiết lộ trên báo Anh The Sunday Times ngày 17/0 về việc các quan chức World Cup của Nigeria và Tahiti đã đề nghị bán lá phiếu của họ trong quá trình vận động đăng cai giải đấu năm 2018, tin đồn về các vụ đưa hối lộ vẫn chỉ là tin đồn. Nhưng khi vụ bê bối này phát lộ, tất cả đã được phơi bày ra ánh sáng.
Quá trình chọn nước chủ nhà đăng cai World Cup 2018 đang gặp khó khăn
Cuộc đua đằng sau sân khấu, chỉ còn 7 tuần nữa sẽ kết thúc khi nước chủ nhà của cả hai kỳ giải dự kiến được công bố tại Zurich vào ngày 2/12, đã thật sự làm vấy bẩn hình ảnh về các kỳ World Cup công bằng và cởi mở mà FIFA cố gắng xây dựng. Amos Adamu, ủy viên Exco người Nigeria, có mặt trong đoạn phim ông yêu cầu khoản tiền nửa triệu bảng cho một “dự án cá nhân” đổi lấy việc ủng hộ một trong những đối thủ của Anh trong cuộc đua đăng cai World Cup 2018, theo cuộc điều tra của Sunday Times. Còn Reynold Emarii, một phó chủ tịch FIFA và chủ tịch LĐBĐ Đại Tây Dương, cũng bị ghi âm đòi khoản tiền kỷ lục 1,5 triệu bảng đầu tư vào một trung tâm thể thao ở nước này đổi lấy sự ủng hộ của ông. Hai ông này hiện đã có mặt ở Zurich để ra điều trần trước Ủy ban Đạo đức của FIFA do luật sư Claudio Sulser, luật sư đồng thời là một cựu cầu thủ làm Chủ tịch.
FIFA đã ra một tuyên bố cam kết sẽ tiến hành điều tra, nhưng với nhiều người, cả tiến trình của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh phải bị xem xét lại. Những cuộc vận động đăng cai Olympic và World Cup đang ngày càng trở nên nhạy cảm, khi các ứng viên, với sự ủng hộ gần như vô điều kiện của các chính phủ, không ngần ngại vung tiền cho cả hai cuộc đua: công khai và bí mật.
Nhiều người thấy rằng những luật lệ thiếu rõ ràng của quá trình vận động đăng cai hiện nay tạo nhiều kẽ hở cho các trò gian lận dơ bẩn. Nhiều cáo buộc tham nhũng và hối lộ đã xuất hiện trong quá khứ. Cựu giám đốc điều hành LĐBĐ Anh (FA) David Davies, trong một cuốn sách của ông, từng cáo buộc việc Anh thất bại trong cuộc đua đăng cai World Cup 2006 là do “những lá phiếu mua bằng tiền mặt”. Cuộc đua đó kết thúc đáng ngờ một cách lố bịch khi một thành viên không trong Exco từ chối bỏ phiếu vào phút chót, giúp Đức giành quyền đăng cai dù trước đó nhiều người chờ đợi phần thưởng sẽ được trao cho Nam Phi.
Tình hình thêm phức tạp khi FIFA quyết định bỏ thể thức quay vòng giữa các châu lục, việc lần này quyết định được đưa ra cho cả hai kỳ World Cup cũng như tiềm năng quá lớn của phần thưởng cuối cùng. Những quốc gia thắng cuộc nhiều khả năng là các nước có thể vượt qua thế giới chính trị bóng đá đầy rối ren, hơn là những ứng viên thực sự tốt nhất trên giấy tờ. Mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn sau tuần trước khi Mỹ rút lui khỏi cuộc đua đăng cai World Cup 2018 để gia nhập cùng Qatar, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc đua năm 2022. Tức là, ở cuộc đua năm 2018 còn lại Anh, Nga, các liên danh TBN-BĐN và Hà Lan-Bỉ.
Mohamed Bin Hammam, Chủ tịch LĐBĐ châu Á hiện có ghế trong Exco, bày tỏ sự ủng hộ công khai với Qatar, nhưng tiên đoán rằng ứng viên tốt nhất chưa chắc đã thắng. Bản thân FIFA khiến tình hình thêm phức tạp khi không có động thái cụ thể nào để phủ nhận các lời cáo buộc. Luật bỏ phiếu cho kết quả ngày 2/12 chỉ được công bố vào cuối tháng 10, nhưng nhiều khả năng phải thay đổi sau những tiết lộ của báo chí ngày 17/10.
Tháng trước Tổng thư ký FIFA, Jerome Valcke, có ghế trong Exco những không có quyền bỏ phiếu và trên thực tế là một kiểu “kiểm soát nội bộ” của toàn bộ quá trình, đã phải viết công văn cho các nước đăng cai nhắc nhở họ rằng việc mua phiếu ở cả hai giải là trái luật khi xuất hiện tin đồn không chỉ diễn ra tình trạng mua phiếu, mà cả trò liên minh giữa các ứng viên.
Các sự kiện gây tranh cãi diễn ra liên tục. Tháng 10/2009, LĐBĐ Anh tặng 24 chiếc túi da Mulberry, mỗi chiếc trị giá 230 bảng, cho vợ của 24 thành viên Exco và bị cáo buộc đã phạm luật khi FIFA chỉ cho phép các món quà “tượng trưng, không có giá trị vật chất”. Tháng 11/2009, báo chí Australia đầy những bài bày tỏ sự phẫn nộ về tính thiếu minh bạch của quá trình lựa chọn ứng viên, dẫn đến các khoản chi không rõ ràng của ủy ban vận động World Cup nước này. Tháng 5/2010, Ủy ban đạo đức của FIFA đã điều tra những tuyên bố của Lord Triesman, người đứng đầu ủy ban đăng cai của Anh, rằng Nga và TBN đã tìm cách hối lộ các trọng tài ở những kỳ World Cup. Tuy nhiên, tất cả các vụ việc đó đều không đi đến kết luận cuối cùng và tất cả đã “chìm xuồng”.
Mới hai tuần trước thôi, Phó chủ tịch FIFA và một thành viên Exco người Hàn Quốc Chung Mong Joon đã cáo buộc Mỹ gây ra “một bầu không khí nghi ngờ” trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup. Tuyên bố đó xuất hiện ngay sau những cáo buộc rằng Hoa Kỳ tìm cách liên kết với Trung Quốc để loại các đối thủ châu Á ra khỏi cuộc đua đăng cai World Cup 2022. Cáo buộc này bị phía Mỹ phủ nhận một cách gay gắt.