Trong lễ đăng quang huy hoàng của Inter ở Madrid, ống kính máy quay không bắt gặp bất cứ lá cờ Italia nào trên khán đài sân Bernabeu. Inter bị ghẻ lạnh chỉ vì họ là đội bóng quốc tế?
1. Trong lúc Serie A hân hoan vì giữ lại đủ 4 vé dự Champions League trước sự uy hiếp mạnh mẽ của Bundesliga, thì vẫn có một bộ phận những NHM Italia thủ cựu hằn học với chiến công của Inter. Người ta lập luận rằng, Inter không có cầu thủ Italia, HLV cũng là người nước ngoài, nên thắng lợi của Đội bóng áo Xanh-Đen không thể coi là thành công cho bóng đá Italia. Đó chỉ là cách bào chữa vụng về, bởi chẳng lẽ khi những đối thủ của Inter thất bại, tifosi những CLB này lại không cảm thấy chạnh lòng trước cú ăn Ba lịch sử của thầy trò Mourinho! Ở Tây Ban Nha và Anh, có bao giờ Real ăn mừng những chiến tích huy hoàng của Barca, hay Chelsea, Liverpool, Arsenal vui sướng vì Man Utd đoạt Champions League?
Do đó, việc Inter bị một số CĐV thủ cựu căm ghét không phải vì họ không có người Italia, không phải vì Mourinho ngông cuồng và ngạo mạn, mà chính bởi họ không nắm trong tay cơ quan truyền thông nào. Có người nói ai nghĩ như vậy nghĩa là người đó có “thành kiến với báo chí”, nhưng tại sao khi Juventus chỉ có 2 Cúp C1/Champions League trong tổng cộng 23 lần dự giải đấu này, chẳng ai nói họ là “khôn nhà, dại chợ” hay những thuật ngữ tương tự như thế. Còn Inter với 3 lần đăng quang/16 lần tham dự, lại liên tục bị gán cho cái biệt danh “chú lùn của Champions League”, đó rõ ràng là sản phẩm từ sự bịa đặt thiên tài của giới truyền thông!
2. Thử hỏi nếu đứng trong đội hình Inter là những trụ cột người Italia, trên băng ghế chỉ đạo là một HLV nội địa, liệu Nerazzurri có thể đi đến tận trận cuối cùng? Lịch sử cho thấy, những HLV người Italia hầu như chẳng để lại dấu ấn nào đáng kể ở Inter. Trapattoni từng giúp Nerazzurri đoạt Scudetto năm 1989, Mancini giành 3 Scudetto liên tiếp (kể cả trên bàn giấy), Simoni đăng quang tại UEFA Cup năm 1998, nhưng những dấu ấn của họ quá mờ nhạt nếu so sánh với Helenio Herrera, Mourinho hay thậm chí là Hector Cuper.
Còn lại, hầu hết những HLV Italia đều chỉ đem lại những kỷ niệm đáng quên cho Inter, ít ra là trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Tardelli được nhớ đến với trận thua nặng nề nhất trong lịch sử các trận derby (thua Milan 0-6 năm 2001), Zaccheroni là “kiến trúc sư” trong thất bại tủi nhục trước Arsenal ngay trên sân nhà (thua 1-5 năm 2004), còn Lippi (người vừa chúc mừng Inter một cách giả dối) đã đưa Nerazzurri đến tận… vòng sơ loại Champions League 2000/01, trước khi bị đội vô danh Helsingborg đánh bại!
3. Bởi vậy thay vì hưởng ứng làn sóng công kích “Inter ngoại bang” do Lippi phát động, người Italia nên lấy chiến thắng của Inter làm điểm tựa cho sự trở lại của Serie A trên đấu trường châu Âu. Nên nhớ rằng, vị trí thứ ba mà Inter giữ lại cho Italia trên BXH 5 năm của UEFA vẫn rất mong manh, khi Đức chỉ kém Italia với cách biệt điểm số rất sít sao.
Nhưng có vẻ người Italia không mấy quan tâm tới vận mệnh của nền bóng đá này bởi nếu vậy, hẳn họ đã gây sức ép để các đại diện Serie A không sử dụng đội hình dự bị trong các trận đấu tại Europa League (UEFA Cup trước kia), mặt trận quan trọng trong hệ thống tính điểm của UEFA. Kể từ khi Parma đăng quang năm 1999, không còn CLB Italia nào bén mảng đến trận chung kết giải đấu này. Khi tư tưởng cục bộ địa phương vẫn còn rất nặng nề, các CLB (kể cả Inter) luôn đặt quyền lợi của mình lên cao hơn cả nền bóng đá, có thể khẳng định thắng lợi của Inter không có quá nhiều ý nghĩa với Serie A. Sớm hay muộn, vị trí thứ ba trên BXH UEFA cũng sẽ rơi vào tay người Đức!
(Theo báo Bóng Đá)