Hôm nay, sẽ là ngày đầu tiên mà Lionel Messi bước vào tuổi 24. Và hôm qua, là ngày mà một năm trước, người ta đã chờ đợi bàn đầu tiên của anh ở World Cup, và câu trả lời đã vĩnh viễn rơi vào hư vô, cho một sinh nhật tuổi 23 “lặng lẽ”.
Chữ “lặng lẽ” phải cho vào trong ngoặc kép, bởi chỉ ba ngày sau khi Messi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 23 (24/6), Argentina đã đánh bại Mexico 3-1 ở vòng 1/8 World Cup 2010, và chính Messi là người đã tung ra đường chuyền quyết định cho Carlos Tevez mở tỉ số. Cũng chỉ trước sinh nhật tuổi 23 đúng một ngày, Messi trở thành cầu thủ trẻ nhất đeo băng thủ quân của Argentina trong lịch sử (thay cho Mascherano được nghỉ đá), và chính một cú sút của anh đã tạo điều kiện cho lão tướng Martin Palermo ấn định tỉ số 2-0 trước Hy Lạp, trong trận cuối cùng vòng bảng. Trận ấy, Messi được bầu là cầu thủ hay nhất trận.
Ở trận đấu tiền vòng bảng, khi Argentina đánh bại Nigeria 1-0, Messi chơi nổi bật, và chỉ có xà ngang cùng phong độ không tưởng của thủ môn Vincent Eyeama mới khiến anh không thể có bàn thắng. Trận thứ hai (Argentina thắng Hàn Quốc 4-1), Messi đặt dấu ấn trong cả 4 bàn của Argentina, và giúp Gonzalo Higuain lập một hat-trick.
Tức là Messi không hề lặng lẽ! Chữ “lặng lẽ” ấy chỉ được giới truyền thông điền vào một khoảng trống duy nhất của Messi ở kỳ World Cup một năm về trước: Anh đã không có nổi một bàn thắng. Và cho đến khi Argentina thảm bại 0-4 trước đội tuyển Đức ở tứ kết, thì mọi lời chỉ trích đổ dồn lên đầu Messi, với dấu giày in lên 6 bàn thắng của Argentina qua 4 trận, người đáng ra phải được tôn trọng nhất trong hàng ngũ của đội Argentina thảm hại ấy. Messi đã không thể cứu vãn nổi những sai lầm của Diego Maradona, một HLV nghiệp dư đã áp dụng chiến thuật kiểu “thời kỳ đồ đá” cho Argentina: Không dựa trên khả năng tổ chức, ban chuyền, di chuyển, và quá chú trọng vào khả năng rê dắt, quá nhiều động tác thừa.
Nhưng đến lúc ấy, thì những so sánh về phong độ của Messi-Barca và Messi-Argentina lại được cày xới lên, bởi chính báo chí Argentina. Tờ La Nacion bảo rằng Messi hiện là “một sự lo ngại của đội tuyển” (trước World Cup, họ cũng từng ra rả “điệp khúc” này). Tờ Clarin viết rằng họ “không cần xem thêm những pha bóng đẹp của anh ở TBN nữa”, còn tờ Ole cũng nhận xét rằng Messi không thể hiện được những phẩm chất như ở Barca. Dư luận Argentina cho rằng Messi không còn là người Argentina nữa, mà là người Catalunya mất rồi.
Thực tế, làn sóng chỉ trích Messi đã hình thành từ năm 2009, khi tiền đạo CLB Barcelona giành Quả bóng vàng đầu tiên, và nó tạo thành một sức ép khủng khiếp cho anh, mỗi khi khoác áo Argentina. Báo chí nước này đã quên rằng ở Barca, Messi được “hộ thể” bởi một thứ triết lý bóng đá tốt như thế nào (khác hẳn với lối chơi kiểu “thời kỳ đồ đá” của Maradona), và quan trọng hơn, được truyền thông đối xử công bằng như thế nào.
Người Argentina bảo Messi giống người Catalunya hơn, và chừng nào họ còn bị ám ảnh ấy “đóng đinh” vào óc, thì Messi cũng chẳng có gì phải hổ thẹn, nếu không thể giúp Argentina thành công ở Copa America trên chính sân nhà. Sau một năm, lại một tuổi mới, liệu Messi có được “đối xử” đúng như một người Argentina?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)