Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

“Cách mạng tháng 10” ở Roma: Khi “người tốt” cứu vớt Roma

Thứ Năm 08/10/2009 14:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Ở thủ đô Italia, người ta gọi những gì mà Ranieri đã làm cho Roma trong một tháng qua kể từ khi lên nắm quyền là “Cách mạng tháng 10” trên đất thủ đô. Gọi “cách mạng” là hơi to tát, vì trên thực tế, vị HLV 58 tuổi chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ trong cách vận hành của cỗ máy Roma, nhưng hiệu quả lại rất đáng kể.

Ngày ông tiếp quản Roma từ tay Spalletti, đội bóng hỗn loạn và mất phương hướng chẳng khác gì cảnh xe cộ chen chúc nhau ở một ngã tư đèn đỏ của thủ đô. Vị HLV người gốc Roma đã đem đến đó sự bình yên, dù con đường vẫn đầy ổ gà. Bằng sự bình tĩnh, niềm nở, Ranieri đã tạo ra một bầu không khí khác hẳn ở Roma mà trước đây, dưới thời Spalletti không có. Sự mềm mỏng ấy của Ranieri đã giúp Roma tránh khỏi sự bàn tán và nhòm ngó quá nhiều của dư luận. Ranieri tránh đưa ra những tuyên bố to tát trên báo chí, lúc nào cũng trả lời rất chung chung khi được hỏi một vấn đề gì đó, chủ trương nói càng ít càng tốt, luôn vui cười khi kí tặng các CĐV. Chiến thuật ấy phát huy tác dụng ngay tức khắc: Ranieri hiểu rằng, tránh xa khỏi sức ép của dư luận và sự soi mói của báo chí, Roma của ông có thể yên tâm làm việc và chiến đấu hơn.

Ranieri đã mang lại nhiều thay đổi cho AS Roma


Roma đã gọi một người thợ hàn, và ông nhanh chóng vá víu những gì vỡ nát mà ông nhìn thấy rõ, một phẩm chất quan trọng mà người ta luôn nhìn thấy nơi ông. Parma đã đưa ông về để trụ hạng. Juve đã thuê ông trong 2 năm để ông tạo ra một bước đà cho đội từ Serie B đến chỗ ổn định để hướng đến Scudetto. Còn Roma? Với Spalletti, các tifosi đã chứng kiến 2 lần Roma tiệm cận Inter ở cuộc đua Scudetto, nhưng với Ranieri, người ta chỉ hy vọng ông đem đến sự ổn định trong vòng ít nhất 2 mùa bóng, để rồi từ đó lại vươn lên (với một HLV khác?).

Ranieri đã mang đến Roma không chỉ những liều thuốc tinh thần, mà còn là sự chấn chỉnh lớn về chiến thuật để Roma từ cuối bảng sau 2 vòng đấu (và 6 bàn thua, 3 bàn thắng) lên vị trí thứ 8 hiện tại (lĩnh thêm 7 bàn thua, nhưng đã ghi thêm 11 bàn). Thay đổi đầu tiên đến từ hàng thủ, tuyến trọng yếu đã sụp đổ trong những trận đầu mùa dưới tay Spalletti. Ranieri tiến hành một loạt điều chỉnh từ các di chuyển cá nhân, di chuyển của hệ thống và cơ chế phòng thủ có sự phối hợp với hàng tiền vệ. Khác với Roma Spalletti, Roma Ranieri chơi với hàng thủ dâng cao hơn và hoàn thiện khả năng bẫy việt vị. Các bàn thua vẫn đến nhưng nhờ thay đổi thứ 2 của Ranieri, mà Roma bất bại trong 5 trận dưới tay ông: chơi với một tinh thần quật khởi để lật ngược thế thua, điều không có nốt trong 2 trận đầu mùa của Spalletti. Với Ranieri, Roma đã bị dẫn điểm trước trong 4 trận, nhưng đã thắng ngược trong 2 trận (Siena, Napoli) và hòa 2 trận (Palermo, Catania).

Thay đổi thứ 3 là ở hàng công: sự trở lại của sơ đồ 4-4-2 được tính toán kĩ lưỡng khi Vucinic đá cặp với Totti. Việc duy trì sơ đồ 4-2-3-1 với Totti đá hộ công dưới thời Spalletti tỏ ra không hợp lí nữa, khi số 10 của Roma trở nên cô đơn hơn sau sự ra đi của Mancini và sa sút phong độ của Taddei. Có cầu thủ người Montenegro hỗ trợ đắc lực bên cạnh, Totti được giải phóng khỏi các yêu cầu chiến thuật chặt chẽ để tự do tung hoành phía trên và giờ đây đang có phong độ siêu hạng. Anh đã ghi 5 bàn/5 trận dưới tay Ranieri và là chủ công của đội bóng thủ đô.

Dĩ nhiên, các vấn đề vẫn còn đó. Chấn thương và sân tập không hoàn hảo đang ảnh hưởng đến quá trình hồi sinh của Roma (Có đến 13 cầu thủ chấn thương vì đủ mọi lí do, Ranieri đang hy vọng các cầu thủ quan trọng nhất sẽ trở lại sân cỏ trong trận đấu then chốt với Milan 2 tuần tới đây ở San Siro). Con đường phía trước vẫn còn rất dài và những rắc rối mới rồi sẽ lại tới. Ranieri mới đi qua được chặng đầu tiên trên con đường làm hồi sinh đội ngũ Roma và tiếp tục khẳng định mình là một trong những người lấp lỗ châu mai giỏi nhất calcio. Cho Scudetto, còn phải chờ lâu nữa, nhưng giúp cho Roma có một suất đến Champions mùa tới cũng không khác một Scudetto. Ranieri chưa dám nói đến điều ấy, nhưng chẳng lẽ cái đích ấy không phải là điều ông đang hướng tới, một khi Roma trong khủng hoảng tài chính không thể ngồi ngoài Champions thêm một năm nữa?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Bẫy việt vị kiểu Pellegrini: Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

"Bẫy việt vị kiểu Pellegrini": Niềm đam mê lợi bất cập hại của Enzo Maresca

Vì từng có thời gian làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City, Enzo Maresca thường được dư luận xem là “môn đồ” của chiến lược gia người Tây Ban Nha – giống như Mikel Arteta, đối thủ của ông trong trận hòa 1-1 của Chelsea với Arsenal tại Stamford Bridge hôm Chủ Nhật tuần trước và là một cựu thành viên trong đội ngũ hậu trường của Guardiola tại đội chủ sân Etihad.

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Ruben Amorim: Niềm đam mê bất tận với sơ đồ 3 trung vệ và… chông gai tại Man United

Như vậy, “triều đại” của HLV tạm quyền Ruud Van Nistelrooy tại Man United đã kết thúc. 4 trận dưới sự dẫn dắt của Van Nistelrooy, “Quỷ đỏ” bất bại, giành 3 chiến thắng, ghi 11 bàn và có 2 trận sạch lưới. Đó rõ ràng là một bản thành tích hoàn toàn khác biệt so với 8 trận cuối cùng chỉ-thắng-một thời Erik Ten Hag.

Xem thêm
top-arrow
X