Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

World Cup 2014: Mùa phòng ngự phản công lên ngôi?

Thứ Năm 29/05/2014 07:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những năm trở lại đây, xu hướng phòng ngự phản công đang trỗi dậy mạnh mẽ. Ở châu Âu, lối chơi này đã tạo nên tiếng vang khá lớn cho những CLB không giàu tiềm lực với nền tảng lực lượng trung bình hoặc khá.

Người ta đang chờ đợi ở mùa hè năm nay, liệu thành công có đến với những đội tuyển đặt phòng ngự làm chìa khóa cho những trận chiến.

Bóng đá đâu chỉ có tấn công, phòng ngự là cả một nghệ thuật, một nghệ thuật dẫu không được ưa nhìn và đẹp mắt cho lắm. Ở cấp CLB, Chelsea và Atletico Madrid, những đại diện ưu tú cho lối chơi phòng ngự. Với Chelsea là kiểu bê-tông nhiều tầng, còn với Atletico là lối phòng ngự trên toàn mặt sân. Ưu điểm của Chelsea là cầu thủ giữ được thể lực cho những lần phản công cuối trận, còn ưu điểm của Atletico Madrid chính là gây áp lực, bẻ gãy, phá hoại lối chơi đối phương ngay từ đầu. Thành công của Atletico Madrid nhận được không ít lời khen ngợi, đặc biệt là chính từ những đối thủ. Chắc chắn ở World Cup 2014, những mô hình phòng ngự sẽ vẫn là nền tảng của nhiều đội tuyển.

Emile Heskey
Italia lên ngôi 2006 bằng sự kỉ luật và khoa học trong phòng ngự

 

Italia – với trường phái phòng ngự Catenaccio trứ danh đã giúp họ dành không ít thành công ở các đấu trường lớn. Đặc biệt là ở World Cup. Không nói đâu xa, ở World Cup 2006, kĩ năng phòng ngự đã giúp Ý lên ngôi sau thảm họa scandal Calciopoli tưởng như đã giết chết cả một nền bóng đá. Mùa bóng năm đấy, Cannavaro đã nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và quả bóng vàng châu Âu một cách cực kì thuyết phục. Rất lâu rồi người ta mới lại thấy một hậu vệ bước lên nhận danh hiệu danh giá đó cho cá nhân mình.Với Người Ý, họ coi bóng đá như là một công việc, họ đòi hỏi tính thực dụng và chính xác đến từng chi tiết. Phòng ngự khoa học đã thành bản năng của Ý, Euro 2012 cũng lại là một năm tiếp nữa nền bóng đá Ý suýt chút nữa lại tạo ra tiếng vang khi lọt vào tới trận chung kết gặp Tây Ban Nha. Mùa World Cup năm nay, người Ý có lẽ sẽ lại tiếp tục trình diện một lối chơi phòng ngự như truyền thống của chính họ.

Hà Lan – Kẻ thất bại vĩ đại với 3 lần lọt vào chung kết và 3 lần lỗi hẹn với cup vàng. Đội tuyển Hà Lan – giờ không còn là lối chơi tổng lực, chẳng còn là Hà Lan của những cơn lốc màu da cam. Hà Lan bây giờ không còn mạnh như xưa để có thể trình diễn những trận đấu thêu hoa dệt gấm. Với một đội hình không quá mạnh, Hà Lan đã xây dựng một lối chơi dựa trên nền tảng phòng ngự kỉ luật sử dụng tốc độ làm ngòi nổ cho những tình huống phản công. Ở World Cup 2010, nếu không có sự xuất sắc của Iniesta với cú vô lê nửa nảy, Hà Lan đã có thể làm nên một điều thần kì. Giấc mơ World Cup vẫn là giấc mơ chung của những con người xứ sở hoa Tulip.

Đội tuyển Nga cùng một Capello với triết lí phòng ngự đã ăn sâu trong xương tủy. Ở bất kì đội bóng nào, Capello cũng thường xuyên sử dụng 2 tiền vệ phòng ngự cùng một lúc trên sân. Với ông có lẽ mọi chuyện trong bóng đá diễn ra theo cách “muốn thắng thì trước hết phải không để thua”. Mùa World cup năm nay, Capello cũng không triệu tập Arshavin và Pavlyuchenko, điều đó có nghĩa là ưu tiên của ông ở World Cup năm nay sẽ không khác gì ngoài phòng ngự. Nga vẫn không phải là ứng cử viên có khả năng tạo ra những bất ngờ ở World Cup. Nhưng chúng ta vẫn hi vọng vào một điều gì đó đến từ Capello – một nhà cầm quân khá tài ba.

Về những điều bất ngờ, hi vọng nó sẽ đến từ châu Phi. Châu Phi đã từ lâu luôn được coi không có tiếng nói trong đấu trường World Cup. Các đội bóng đến từ đây cũng như các đội bóng từ châu Á, thường mang thân phận làm kẻ lót đường. Nhưng với một thể lực dồi dào, cùng kinh nghiệm của những cầu thủ thường xuyên thi đấu ở trời Âu, nếu thi triển đấu pháp hợp lí, những Cameroon hay Bờ Biển Ngà hoàn toàn có thể tiến sâu ở đấu trường này. Phòng ngự và phòng ngự, hãy học hỏi mô hình của Chelsea hay Atletico Madrid, rất có thể châu Phi sẽ làm nên điều khác biệt ở World cup năm nay.
 
Theo Bongda

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X