Đã là danh hiệu nghĩa là phải có sự đua tranh. Trong những cuộc đua tranh thì luôn có chỗ cho tiểu xảo, may mắn, hay thậm chí cả sự ưu ái. Những người hâm mộ trầm lặng đều hiểu rằng không có bất cứ sự đánh giá chính xác tuyệt đối nào, còn lịch sử thì chỉ ghi lại những gì được xướng tên, được thống kê, được phong tặng. Bởi thế, Quả bóng Vàng của hiện tại cũng không phải thước đo hoàn hảo không tì vết, nó có ý nghĩa với các nhà làm sử hơn. Còn người xem, họ biết thưởng thức, và có những đánh giá của riêng mình.
Xuất sắc nhất - Khái niệm mơ hồ
Năm 2010, khi Sneijder vừa đóng vai “phần hồn” vừa ghi bàn góp phần giúp một Inter “chiếu dưới” đánh bại Barca để rồi đăng quang UEFA Champions League, Xavi và Iniesta đang làm gì? Khi anh một mình ghi 5 bàn đưa Hà Lan “thiếu sao” vào tới chung kết World Cup, Messi đang ở đâu? Ghi dấu cá nhân đậm nét hơn bất cứ ai ở những tập thể chẳng ưu việt chút nào, nhưng thậm chí, tiền vệ của Inter còn không có tên trong danh sách 3 cái tên rút gọn cho QBV năm đó. Cú ăn ba vĩ đại, những nỗ lực cá nhân đầy hiệu quả và cống hiến cho thành tích tập thể suốt một năm của Sneijder chỉ là con số 0 tròn trĩnh trong cuộc bầu chọn của những người được coi là “có chuyên môn”.
Một Sneijder thi đấu thăng hoa nhưng không lọt vào danh sách 3 ƯCV cuối cùng cho QBV FIFA 2010
Khi ác HLV và đội trưởng các đội tuyển quốc gia được quyền bỏ phiếu cho QBV bên cạnh các nhà báo, nó dường như trở thành danh hiệu của cảm tính nhiều hơn. Tiêu chí “xuất sắc nhất” giờ đây dường như dành cho ai làm người xem “có cảm xúc” hơn, đã mắt hơn, và tất nhiên, một người chơi bóng cơ bản và hướng vào kết quả như Sneijder không có cửa trong lối đánh giá này. Năm 2011, Messi xứng đáng giành QBV, áp đảo tất cả với những gì anh làm được cho Barca, song không thể không nhắc đến Xavi như một “bệ phóng” cực kỳ quan trọng, người mà vắng anh lúc đó, Nou Camp mới thực sự chông chênh. Đi qua mùa giải 2011-2012, cái tên sáng giá nhất vẫn là Lionel Messi, dường như nó đã thành một “mặc định”, sự trầm tính, tập trung cho bóng đá của Leo giúp anh nhận được nhiều cái nhìn thiện cảm so với kình địch Ronaldo, và dĩ nhiên, người ta sẽ bỏ phếu cho người làm mình “thiện cảm hơn”.
Nói vậy không có nghĩa Messi không xuất sắc, anh vẫn ở trên đỉnh thế giới với các kỹ năng ngày càng hoàn thiện của mình, nhưng nếu người ta yêu M10 bởi sự đơn giản xen lẫn tính nghệ thuật trong xử lý bóng, thì người ta cũng yêu CR7 bởi ở anh có sự thách thức những giới hạn của con người. Thật khó mà nói ai thực sự hơn ai, chỉ là họ khác nhau, và những người ủng hộ họ cũng khác nhau, có điều, với số đông chưa tiếp xúc với cả hai mà chỉ nhìn mọi thứ qua màn hình, qua báo chí, thì hình ảnh của Messi dễ chịu hơn, gần gũi hơn để làm người ta muốn lựa chọn.
QBV đâu phải tất cả
Nhìn vào những bước chạy và những pha xử lý của Messi trên sân, người ta vẫn thường bị đẩy cao cảm xúc, đồng cảm với sự bé nhỏ mà khéo léo của anh. M10 đã liên tục xô đổ các kỷ lục ghi bàn, điều đó làm nhiều người quên mất sự thật: QBV không đồng nghĩa với “Vua phá lưới”, bởi nếu thế, một tiền vệ nhạc trưởng dù tài ba đến đâu, một trung vệ hoặc thủ môn xuất chúng đến thế nào cũng chẳng bao giờ được ghi nhận. Ghi nhiều bàn, nhưng ý nghĩa của những bàn thắng, tần suất cứu vãn đội bóng, quyết định những khoảnh khắc định mệnh trong mùa giải qua của Messi lại “lép vế” so với CR7. Trong bối cảnh cả đội nhìn vào anh trong quả penalty có thể làm đổi thay tất cả trước Chelsea, M10 lại đá hỏng. Khi CR7 ghi bàn giúp Real bỏ Barca lại phía sau để đăng quang La Liga, anh cũng chẳng có câu trả lời nào, không thể hiện được vai trò khi đội bóng cần nhất, để rồi siêu đội hình của Barca phải “trắng tay”, tự an ủi bằng chiếc cup Nhà vua bé nhỏ. Anh thất bại lần nữa trong trận Siêu cúp 2012 và thậm chí chẳng thèm ngẩng mặt lên bắt tay đối thủ. Và ở trận Siêu kinh điển lượt đi, chỉ có may mắn trong bàn thắng đầu tiên, và cơ hội đá bóng chết ở tình huống thứ hai mới giúp anh không “thua” Ronaldo, trong trận đấu mà Messi mất hút khi “bóng sống”, còn CR7 tỏ ra quá thực dụng và nguy hiểm.
Ronaldo đang “ghi điểm” mỗi khi đá với Barca, nhưng anh cũng được hưởng lợi từ chiến thuật chung quá hợp lý của Mourinho. Ở tuyển Bồ Đào Nha, CR7 vẫn nổi bật, song anh chỉ thường tỏa sáng khi các đồng đội cũng chơi tốt, hay nói gọn, anh không phải người có thể một mình làm nên chiến thắng nếu gặp các đối thủ phòng ngự số đông mà không được các vệ tinh hỗ trợ. Nhìn sang bên kia, Argentina của Messi dĩ nhiên là môi trường thuận lợi hơn hẳn so với Bồ Đào Nha, M10 có quá nhiều các đồng đội đẳng cấp để tạo nên những thế trận tốt, những pha bóng hay, để anh qua đó chứng minh phẩm chất thiên tài. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của M10 ở đội tuyển là không thể bàn cãi, và anh đã tiến bộ thực sự so với chính mình trong màu áo sọc trắng xanh. Dẫu sao, phong độ tốt của Ronaldo ở EURO 2012 cũng đáng để anh không quá thua kém một Messi ngày càng hay trong các trận giao hữu và vòng loại World Cup 2014.
Thế đấy, không có sự công bằng hoàn hảo nào ở đây cả, sẽ chỉ là lựa chọn mang tính cá nhân của nhiều cá nhân cho danh hiệu cao quý QBV. Một Falcao ấn tượng là thế, bùng nổ ngang ngửa hai ứng cử viên M10 và CR7 ở một câu lạc bộ kém ưu thế hơn nhiều, thậm chí anh cũng nổ súng ầm ầm ở một tuyển quốc gia hạng trung, nhưng ai sẽ nhắc tên anh ở lễ trao giải QBV? Một đội bóng lớn, những cơ hội tranh giành danh hiệu, sự ầm ĩ của truyền thông, sự bắt mắt trong thi đấu,… rất nhiều yếu tố sẽ quyết định chứ không chỉ là chuyên môn, hiệu quả đóng góp của cầu thủ trên sân. Thế thì cũng đừng nên quá hi vọng vào một QBV được mọi người đều tâm phục khẩu phục, nó cũng chỉ là một danh hiệu, và sẽ để lại nhiều tranh cãi như nhiều danh hiệu khác. Cái dễ làm nhất với người hâm mộ - những người chẳng có quyền lực gì, đó là vui vẻ thưởng thức những màn trình diễn của các siêu sao, chính nó làm nên ý nghĩa thực sự của bóng đá - môn thể thao quyến rũ hàng trăm triệu người, chứ đâu phải quả bóng lấp lánh được trao chỉ bằng cảm tính của một vài lá phiếu.
(Theo Bongda)