Bảy tuổi, tôi biết xem bóng đá, và trận đấu đầu tiên mà tôi được xem chính là trận chung kết cúp Champions League năm 1999 giữa Manchester United và Bayern Munich, trận đấu mà người Manchester vẫn gọi đó là đêm Nou Camp thần thánh. Lên 12 tuổi, tôi biết vui khi United thắng và buồn khi United thua. 14 tuổi, tôi quyết định dành trọn tình yêu và đam mê bóng đá của mình cho United. Manchester United không hoàn hảo, và tôi, tôi yêu cái sự không hoàn hảo đó!
Nếu tình yêu đôi lứa là sự hòa nhịp giữa hai trái tim, là sự đồng điệu về tâm hồn, là hiểu thấu những tâm tư, suy nghĩ của nhau, thì tình yêu với một đội bóng, nó không chỉ đơn giản là sự hòa nhịp từ đội bóng và người xem, mà còn là đam mê, là sự thăng hoa với trái bóng của các cầu thủ và niềm hứng khởi, sung sướng của người hâm mộ khi được theo dõi các thần tượng của mình thi đấu, thậm chí các cầu thủ còn phải trả giá bằng những giọt máu, mồ hôi và nước mắt. Và cứ đến mỗi dịp cuối tuần, United đá giải Ngoại hạng hay giữa tuần là Champions League, tôi đều háo hức mong chờ như đứa trẻ ngóng mẹ đi chợ về.
Manchester United VĐ C1 mùa giải 1998-1999
United là một đội bóng vĩ đại, và qua thời gian, họ tạo nên những tượng đài và những huyền thoại của làng túc cầu thế giới, từ người huấn luyện cho đến các cầu thủ. Chẳng phải tự nhiên khi thập niên 50, 60 cả Châu Âu phát cuồng với “những đứa trẻ của Busby”, cũng chẳng phải tự nhiên mà chiếc cổ áo dựng đứng của Cantona trở thành biểu tượng bất diệt ở sân Old Trafford. Cũng chẳng phải tự nhiên mà đài truyền hình BBC của Anh lại làm hẳn một bộ phim có tự đề “United” để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số của thảm họa Munich và cũng là để gợi lại những trang sử hào hùng của đội bóng ở những thập niên 50, 60, và cũng chẳng phải tự nhiên khi kênh truyền hình K+ làm bộ phim “Đội bóng vinh quang” về Manchester United và trong phim, họ gọi United là đội bóng vượt khó.
United cũng là một đội bóng đặc biệt, và họ cũng luôn tạo ra những cái khác biệt. Chẳng ai có thể ngờ, khi mà các đội bóng ở giải Ngoại Hạng không dám nghĩ đến đấu trường Châu Âu, hay dù có nghĩ thì cũng bị Liên Đoàn gạt phăng cái ý nghĩ đó bằng cách không ngừng gây sức ép về lịch thi đấu, thì Matt Busby lại đi ngược lại quyết định của Liên Đoàn, vẫn tham dự cúp Châu Âu và trong lần đầu tiên tham gia ấy, họ đã vào tới vòng bán kết. Để rồi, một năm sau thảm họa Munich ập đến với họ, 8 cầu thủ đã vĩnh viễn ra đi trong cái ngày tuyết phủ kín đường băng Munich, những tưởng như tất cả đã là dấu chấm hết của một đội bóng, nhưng không, họ đã không bỏ cuộc và đã vùng lên mạnh mẽ hơn, họ giành ngôi Á quân cúp FA năm đó và 10 năm sau, họ đứng trên đỉnh Châu Âu với tư cách là đội bóng Anh lần đầu tiên vô địch cúp C1 Châu Âu.
Yêu một đội bóng là yêu cả những thăng trầm đi theo thời gian và lịch sử của nó, sau sự ra đi của Matt Busby, năm 1974, United đã phải xuống hạng nhưng ngay lập tức họ cũng thăng hạng vào mùa giải tiếng theo và đoạt chức vô địch cúp FA năm 1976, đồng thời ngăn chặn Liverpool có cú ăn 3 đầu tiên trong lịch sử. Và giai đoạn hoàng kim của United có lẽ chính là từ khi Alex Ferguson lên làm huấn luyện viên năm 1986.
Đảm nhận chức vụ khi trước mắt là một đống đổ nát mà những người tiền nhiệm của mình như Dave Sexton hay Ron Atkinson để lại, sau bốn năm không có danh hiệu, những tưởng Sir Alex cũng sẽ bị đá văng khỏi chiếc ghế huấn luyện viên trưởng như hai người trước đó, nhưng không, chiếc cúp FA đã cứu Sir Alex cũng như cứu cả đội bóng đang ngày một đi xuống. Những năm sau đó, những danh hiệu lớn nhỏ lần lượt được Sir Alex và các cầu thủ đem về với sân Old Trafford, những huyền thoại cũng vì thế mà nối tiếp nhau xuất hiện. Nếu như Matt Busby có “Busby babe” thì Sir Alex cũng tạo được cho mình “Bộ tứ huyền ảo” ở hàng tiền vệ, với những Roy Keane, Paul Scholes, Ryan Giggs và David Beckham, tất cả đã cùng nhau tạo nên mùa giải đáng nhớ với cú ăn 3 lịch sử năm 1999, đỉnh điểm là pha lội ngược dòng ở những phút bù giờ của trận chung kết cúp Champions League với Bayern Munich trên sân Nou Camp.
Nhưng bóng đá không phải lúc nào cũng là vinh quang, sau sự ra đi liên tiếp của Beckham và Roy Keane, United cũng đã phải ngậm ngùi nếm trái đắng khi nhìn Chelsea dưới thời của Mourinho với hai chức vô địch liên tiếp năm 2005 và 2006. Tuy nhiên, sự chói sáng với phong độ cực kì xuất sắc của số 7 mới, Cristiano Ronaldo và cầu thủ cũng cực kì xuất sắc trên hàng công Quỷ Đỏ lúc bấy giờ là Wayne Rooney đã đem lại cho United ba chức vô địch Premier League lên tiến năm 2007, 2008 và 2009, trong đó, cú đúp năm 2008 với chiếc cúp Champions League đã ghi thêm vào lịch sử của sân Old Trafford thêm một tượng đài mới: Cristiano Ronaldo.
Tre già, măng mọc, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, và trong bóng đá, thế hệ mới tiếp bước thế hệ cũ, khi mà bây giờ, Giggs hay Scholes đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, thì những Rooney, Danny Welbeck, Tom Cleverley hay Phil Jones, De Gea chính là những người đã, đang và sẽ nhận trách nhiệm làm trụ cột của đội bóng. Bóng đá là vậy, luôn luôn có những thăng trầm, biến cố, nhưng sau những vinh quang, họ không ngủ quên trên chiến thắng, hay ko gục ngã trước thất bại mà phải mạnh mẽ hơn sau những thất bại đó, chỉ khi ấy, đội bóng đó mới chính là 1 đội bóng đẳng cấp. United chính là đội bóng như vậy! Và có một điều chắc chắn rằng, tôi, cũng như các bạn, những người hâm mộ United, dù cho thế nào đi nữa cũng sẽ chẳng bao giờ quay lưng lại với đội bóng của mình, bởi vì một điều rất đơn giản… Tôi yêu Manchester United!
(Theo Bongda)