“Đôn Ki-hô-tê” là bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Tây Ban Nha vào thời kì Phục Hưng. Hẳn ai từng đọc qua câu chuyện này sẽ có ấn tượng khó phai mờ với hai chủ tớ Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa. Hai con người, hai tính cách và hai số phận trái ngược nhau hoàn toàn.
Đôn Ki-hô-tê vốn là một quý tộc nghèo, ham mê phiêu lưu, thích mơ mộng và luôn muốn trở thành một hiệp sĩ để giúp đời. Chính thế nên ông đã bán nhà, vay mượn một số tiền khổng lồ để thỏa mãn ước mơ làm “hiệp sĩ”. Trên đường đi, Đôn Ki-hô-tê cần một người giám mã để mình trông thật giống cái mác “hiệp sĩ”, vậy là bác nông dân nghèo Xan-cho Pan-xa được chọn làm chiến hữu cùng ông chinh phục những miền đất mới. Xan-cho Pan-xa là con người của lí trí, rất thực tế đôi khi đến thực dụng. Nhiều lần ông đã cứu Đôn Ki-hô-tê ra khỏi những trận đòn thập tử nhất sinh (hậu quả từ những việc làm gàn dở mà người chủ của mình gây nên). Tuy tính nết trái ngược nhau nhưng ở họ vẫn có chung mơ ước về một ngày được làm chủ một lâu đài hoặc một hòn đảo với nhiều người đẹp, bên cạnh một chức tước thật “kêu”. Cuối cùng chỉ có Xan-cho Pan-xa thành công khi được làm một chúa đảo còn Đôn Ki-hô-tê vẫn dang dở ước mơ làm hiệp sĩ.
Arsenal cần được đầu tư mạnh mẽ hơn
Bây giờ, ở nước Anh cũng có một hiệp sĩ đang chiến đấu ngoan cường. Chỉ có điều người ta đang thắc mắc ông là một hiệp sĩ tài ba, biết nhìn xa trông rộng hay là một hiệp sĩ chỉ giỏi mơ mộng? Vâng, ông chính là Asene Wenger.
Trên sân Emirates, những danh hiệu được dán quanh bốn phía khán đài như là niềm tự hào của câu lạc bộ. Nhưng không hiểu sao, danh hiệu gần đây nhất - chiếc cúp FA danh giá được dán lên một cách đầy kiêu hãnh đã cách đây 7 năm rồi. 7 năm về trước, Arsenal là một tập thể những chiến binh được dẫn dắt dưới bàn tay của vị tướng tài ba - Asene Wenger. Họ thi đấu bay bổng, lãng mạn nhưng cũng không kém phần hiệu quả. Thành quả của lối chơi thêu hoa dệt gấm cùng sự khôn ngoan trên băng ghế chỉ đạo là câu lạc bộ đã bước vào ngôi đền các huyền thoại với chuỗi 49 trận bất bại. Ở giai đoạn ấy, người ta tìm ra trong Arsenal có cả trái tim nhiệt thành của Đôn Ki-hô-tê và cái đầu lạnh của Xan-cho Pan-xa.
Rồi cái thời hoàng kim ấy cũng nhanh chóng qua đi, sân Emirates đi vào hoạt động đồng thời cũng là lúc câu lạc bộ phải “cõng” trên lưng khoảng nợ ước chừng 400 triệu bảng Anh. Điều này bắt buộc ban huấn luyện và lãnh đạo đội bóng phải có sự thay đổi tư duy làm bóng đá. Wenger từ đấy không đưa về một bản hợp đồng nào gọi là bom tấn nữa, thay vào đó ông trông chờ những tài năng trẻ mà mình đào tạo. Rất tiếc khi họ đủ lông đủ cách họ lại dứt áo ra đi và câu lạc bộ cũng không có cách nào khả thi để giữ chân họ lại. Âu cũng vì món nợ khổng lồ đang còn trước mắt!
Hệ quả trên sân đấu thì ai cũng biết, Arsenal vẫn còn đấy những nét hào hoa, uyển chuyển phản phất cái thời “bất bại” nhưng giờ đây họ chiến đấu như một Đôn Ki-hô-tê đâm đầu vào cái cối xay gió mà thiếu sự khôn ngoan cần có của một Xan-cho Pan-xa. Không biết bao nhiêu lần, các pháo thủ dẫn trước rồi bị gỡ hòa, hay thua ngược. Thậm chí họ có dẫn trước đến 4-0 cũng không thể đoán được chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Về phía Wenger, ông vẫn kiên trì với triết lí bóng đá hoa mĩ mà không cần đần tư nhiều của mình. Ông lí giải kết quả yếu kém của Arsenal bằng việc “chạy đua vũ trang điên rồ” trên thị trường chuyển nhượng, bằng luật công bằng tài chính của UEFA sẽ được áp dụng vào năm 2014. Cứ như Giáo sư mong đợi thì khi luật này được áp dụng Arsenal sẽ thành một đội bóng cực mạnh dựa trên nền tảng tài chính ổn định. Có lẽ nếu cứ theo lí thuyết gần như chỉ Arsenal mới đủ sức mua sắm thỏa mái trên thị trường chuyển nhượng. Giáo sư đang mơ mộng hay thực tế ?
Không ai biết trước được tương lai, tuy nhiên câu chuyện tương lai mà đúng như những gì Giáo sư đã vạch ra, thì ông có lẽ là huấn luyện viên tài ba bậc nhất thế giới khi đã trình làng một cách làm bóng đá cực kì khoa học và khôn ngoan. Và ông cũng là người hiếm hoi của làng bóng đá hiện đại có sự tổng hòa trọn vẹn của Đôn Ki-hô-tê và Xan-cho Pan-xa.
Trở lại với hiện tại, mấy hôm nay cả thế giới đang xôn xao việc “đại gia nửa mùa” Malaga đã bị UEFA phạt cấm thi đấu một năm trên đấu trường châu Âu vì những vi phạm liên quan đến luật công bằng tài chính. Câu hỏi được đặt ra là những Man City hay Man United chi tiêu ầm ầm trên thị trường chuyển nhượng sao không bị phạt? Câu trả lời rất đơn giản, Man City chỉ cần đổi tên sân vận động thành Etihad đã có 300 triệu bảng chi tiêu trong vòng 10 năm, Man United chỉ cần thay đổi nhà tài trợ trên áo đấu đã có 25 triệu bảng Anh/năm chưa kể lượng tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình. Như vậy thì luật công bằng tài chính có còn đất sống, những dự tính của Wenger có còn thiết thực hay chỉ là một mớ lí thuyết không tưởng? Và lúc ấy người ta sẽ ví Wenger như một Xan-cho Pan-xa tỉnh táo, khôn ngoan hay chỉ là một kẻ mơ mộng hảo huyền như Đôn Ki-hô-tê?
(Theo Bongda)