Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Bài dự thi "Ấn tượng World Cup 2018": Có một “sân vận động” ngay tại bệnh viện

Thứ Tư 18/07/2018 19:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
World Cup đang nóng hơn bao giờ hết ở khắp mọi nơi, từ những khu ổ chuột nghèo khó đến những sân vận động tại “xứ sở Bạch Dương”. Tại Việt Nam, đâu đâu trên các con phố, các con ngõ nhỏ cũng ồn ào, rộn rã của không khí World Cup đầy sôi động mỗi khi màn đêm buông xuống. Và tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, mỗi tối, mỗi đêm vẫn luôn hiện hữu không khí của một sân vận động thu nhỏ...

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (NIHBT) vốn được biết đến là đơn vị tuyến cao nhất trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh về chuyên khoa huyết học và tổ chức công tác truyền máu, nơi mà những bệnh nhân có bệnh liên quan về máu thường lưu trú về để có thể thăm khám, chữa bệnh.

10 giờ tối, các phòng ban, phòng chờ tại viện đã khá vắng vẻ. Nhưng tiến đến hành lang của tầng 5 , nơi có phòng bệnh nhân, một sự đối lập khác hẳn xuất hiện…
Cũng giống như bao bệnh viện khác, không khí vui vẻ thật khó để xuất hiện trên khuôn mặt mỗi người tại viện Huyết học. Nỗi lo về viện phí, nỗi đau về cả thể xác và tinh thần, hay những cái cười buồn khi gặp được người nhà của bệnh nhân dường như khiến không gian tại viện có đôi chút nặng nề, mệt mỏi.
Nhưng đó chỉ là những lúc không bóng đá, không có World Cup. Khi mà ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới khởi tranh, không khí nơi đây thực sự khiến nhiều người bất ngờ.

10 giờ, một khoảng thời gian thường là lúc bệnh nhân và người nhà của họ chuẩn bị say giấc, nhưng trái bóng đã níu chân những con người có chung niềm đam mê về khu hành lang tầng 5 với chiếc màn hình TV.

Ban đầu chỉ lác đác vài người nhà bệnh nhân tầm tuổi trung niên ngồi lặng lẽ chờ đợi, nói những câu chuyện về quê mình, nhưng càng đến thời gian bắt đầu trận đấu, mọi người đổ về ngày càng đông, không gian nhỏ bé dường như trở nên tấp nập hơn.

Một không khí tràn ngập bóng đá trong một không gian giản đơn đến lạ kì, không rượu, không bia, không đồ ăn thức uống, chỗ ngồi cũng không thực sự thoải mái với chỉ những chiếc ghế nhựa và mặt sàn hành lang.

Nhưng đôi lúc, vẫn xuất hiện tiếng hô vang, cằm rằm tiếc nuối cùng lời bình luận không kém gì không khí sôi động mà đầy thăng trầm trên khán đài của sân vận động.

Chính với không khí đầy lạ lùng này, đôi khi những bác sĩ của khoa đã phải ra “can thiệp” và nhắc nhở mọi người rằng đây là bệnh viện, những bệnh nhân cần được nghỉ ngơi.
Bài dự thi World Cup 2018 Có một sân vận động ngay tại bệnh viện hình ảnh
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trang bị màn hình TV lớn phục vụ mùa World Cup
Bài dự thi Ấn tượng World Cup 2018 Có một sân vận động ngay tại bệnh viện hình ảnh 2
Không khí xem World Cup tại viện Huyết học – Truyền máu trung ương
Chúng tôi rất ấn tượng đến một cô bé ngồi khép vào góc tường bên cạnh những bác lớn tuổi. Một khuôn mặt ngây thơ, cổ vũ hết mình cho đội bóng mình thích, luôn tranh luận với mọi người khi có những tình huống xảy ra trên sân.

Em là Phạm Thị Thu Hà, một bệnh nhân mang trong mình căn bênh quái ác – Ung thư máu. Hà hồ hởi trò chuyện: “Em yêu bóng đá từ hồi nhỏ, hay thức khuya cùng bố coi bóng đá. Trong thời gian học cấp 2 thì không coi nữa. Bắt đầu coi lại bóng đá từ năm ngoái”.
Cô bé dường như rất thích không khí tại đây vì theo như em chia sẻ, ở nhà chỉ xem một mình chứ không được cổ vũ vui vẻ như vậy. Chẳng được như các bệnh nhân khác, em vào trong viện điều trị mà không có được sự săn sóc của bàn tay mẹ cha.

Nhưng thực sự, chúng tôi lại chẳng thấy sự sợ hãi hay tủi thân nào hiện diện trên khuôn mặt của Hà. Em vô tư trước những khó khăn, những thách thức dường như quá đỗi to lớn đang đè lên đôi vai nhỏ bé của mình “Em cảm thấy khỏe lắm. Chỉ là mặt với môi hơi nhợt nhạt, chân tay bị phù và đau khớp một chút”.
Đối mặt với cái chết đang cận kề, lưỡi hái tử thần sẽ cướp đi sinh mạng nhỏ bé này bất cứ lúc nào nhưng em vẫn cứ luôn cười nói, luôn hò reo cổ vũ cuồng nhiệt không kém các bác, các chú tại viện.

Cô bé hồn nhiên chia sẻ: “Xem World Cup cùng mọi người không chán ạ, vì em làm quen với các bố hết rồi. Thỉnh thoảng có người đi qua cũng thắc mắc là “trẻ như vậy mà cũng coi bóng đá, là coi gái mà cũng máu thế cơ”.
Co be me bong da Pham Thi Thu Ha
Cô bé mê bóng đá Phạm Thị Thu Hà
Trong lúc trận đấu giữa Đức và Mexico đang diễn ra đầy sôi nổi, chúng tôi bắt gặp một bóng dáng khá trẻ trung khoác trên mình chiếc áo blu thi thoảng lại đi qua hành lang, ngó nghiêng vào chút rồi lại rời đi.

Đó có lẽ không phải là bác sĩ, dường như cậu ấy là một sinh viên đến đây thực tập. Quả đúng vậy, cậu là Võ Khắc Hải, sinh viên năm 3 của đại học Y Hà Nội. Hải là một fan cuồng nhiệt của môn thể thao vua. Thật trùng hợp khi đây cũng là lần đầu tiên cậu ấy trải nghiệm không khí bóng đá tại viện.
CĐV của ĐT Pháp này cho biết: “Nói chung là xem các bác cũng vui nhưng vì có nhiều hạn chế về không gian nên cổ vũ không được nhiệt tình như ở quán Café hay những chỗ công cộng khác”.

Hải là một trong những người theo dõi trận đấu chăm chú nhất, nhưng cậu chia sẻ công việc chăm sóc bệnh nhân vẫn phải đặt lên hàng đầu. Hải cũng rất nhớ không khí xem bóng đá khi còn ở trong ký túc xá, khi thời gian và không gian không bị bó hẹp.

Nhưng ở đây, cậu sinh viên trường Y này chỉ có thể tranh thủ được vài lúc thành thơi để thỏa được đam mê, đơn giản vì trách nhiệm của bản thân đến bệnh nhân là yếu tố tiên quyết, là y đức của những người mang trong mình sứ mệnh cứu người.
Cau sinh vien tre cua truong DH Y Ha Noi Vo Khac Hai
Cậu sinh viên trẻ của trường ĐH Y Hà Nội Võ Khắc Hải
Cuối cùng, chúng tôi tìm gặp một CĐV cũng rất nhiệt tình khác, bác Dương Xuân Canh, một người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại viện. Một khuôn mặt tươi vui thoáng sau những nếp nhăn dày đặc của người đàn ông đã 67 tuổi này.

Bác cho biết đã ở viện chăm sóc đứa cháu cách đây 1 tháng, nay có dịp phải lên viện để tiếp tục “tiếp sức”. Được biết bác là 1 CĐV trung lập, xem bóng đá vì niềm vui chứ không ‘’ăn thua’’ gì nhiều.
World Cup 2018 cũng là kỳ World Cup đặc biệt nhất trong đời bác Canh khi đây là lần đầu bác đón không khí bóng đá tại viện. “Không khí có một chút bất tiện vì xung quanh còn có bệnh nhân. Nhưng ở đây vẫn tập trung đông người xem nên rất có không khí. Hơn nữa được xem cùng những người có đam mê sẽ hay hơn” bác Canh chia sẻ.
Gần bước sang tuổi 70, nhưng thay vì được nghỉ ngơi, sum vầy với con cháu thì bác luôn phải canh cánh nỗi lo cho đứa cháu mắc bệnh thiếu máu của mình.

Nét thoáng buồn hiện hữu trên khuôn mặt bác mỗi khi nhắc đến chuyện ấy. Nhưng tất cả đều tan biến khi những câu chuyện về bóng đá tiếp nối sau đó.

Con người đã luống tuổi này có một tình yêu với trái bóng tròn không kém gì một chàng trai mới chỉ đôi mươi “Bác chưa bỏ lỡ trận nào. Đôi lúc đang xem thiếp đi, khi có bàn thắng là lại tỉnh giấc để cổ vũ. Ghi lại kết quả từng trận vào giấy để cùng bạn bè trao đổi dự đoán cuối cùng đội nào là nhà vô địch”.
Nguoi nha benh nhan
Người nhà bệnh nhân Dương Xuân Canh
Ba con người ấy chỉ là một phần nhỏ trong viện Huyết học, nhưng họ lại mang nét biểu tượng cho từng nét tính cách, từng cá nhân trong bệnh viện. Họ là 3 CĐV tiêu biểu nhất của sân vận động thu nhỏ trong lòng viện.

Là một người lớn tuổi không nề hà thời gian, địa điểm, hoàn cảnh để cháy cùng đam mê. Là một thiếu niên với đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ với công việc chăm coi bệnh nhân bên cạnh đam mê bóng đá.

Đặc biệt hơn cả sự chiến thắng nỗi đau trong bệnh tật của một bệnh nhân nhỏ tuổi. Ung thư máu chẳng khiến em sợ hãi, nó dường như chỉ đang là kẻ bị cô bé quả cảm ấy thách thức bằng niềm vui sống vô hạn, bằng sự cuồng nhiệt cháy bỏng với trái bóng tròn.

Khi cái chết dang cận kề cũng là lúc con người ta suy sụp nhất, nhưng xin hãy gạt tính từ ấy ra khỏi cô gái mạnh mẽ này.
Anh mat cham chu theo doi tran dau cua em Ha
Ánh mắt chăm chú theo dõi trận đấu của em Hà
Bóng đá không chỉ mang đến sự sum vầy, mang đến không khí chưa từng có tại một nơi như bệnh viện, nó còn mang trong mình động lực và lòng khát khao được sống, được cống hiến, được cháy hết mình với đam mê, cho dù ngày mai có là dông tố hay chăng nữa.

Cuộc sống có sinh có diệt, đó là một quy luật bất thành văn của tạo hóa. Nhưng tạo hóa sẽ chẳng thể lấy đi, cho dù chỉ là một phút hay một khoảnh khắc hạnh phúc của con người ta khi đắm chìm vào những đam mê vô hạn.
“Sân vận động” viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, hãy cứ đặc biệt theo cách riêng của mình.

Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Nga Phong Huy

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X