Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Tôi xin lỗi, đã không giữ lời hứa, chẳng thể vững vàng chờ tới lúc tiếng còi cất lên.
Tôi xin lỗi, cho tôi buồn… chỉ một ngày hôm nay thôi!
Cuối cùng thì tôi cũng hiểu cái cảm xúc mà 4 năm trước các fan của Tây Ban Nha đã trải qua. Đau đớn và tức tưởi nhưng không thể đổi lỗi cho ai. Từ khi dành tình yêu cho tuyển Đức chưa bao giờ hành trình của chúng tôi lại ngắn ngủi đến thế!
Lần gần nhất Đức xách vali về nước tại một kỳ Worlcup cũng đã cách đây… 80 năm! Phải chăng do người ta quá quen với chiến thắng nên mới không thể chấp nhận sự thật cay đắng.
Tôi muốn đổ lỗi cho cái lời nguyền nghiệt ngã kia, tôi muốn đổ lỗi cho thần May mắn có mặt trên sân mà chỉ đứng đó nhạo báng chúng tôi. Kỳ thực tôi biết đội tuyển của tôi không còn là chính mình như 4 năm trước nên kết cục ngày hôm nay tất yếu rồi cũng xảy ra.
Nhưng tại sao người ta cứ đổi lỗi cho Ozil? Vì lần duy nhất Đức giành chiến thắng là khi Ozil không ra sân hay sao? Vì đôi mắt buồn của anh lúc nào cũng khiến người ta có cảm giác uể oải và lười biếng sao?
Vì anh vẫn kiến tạo nhưng đã không còn đó những đồng đội hiểu ý anh như trước đây, đó cũng là lỗi của anh hay sao? Hay chỉ vì anh là chàng trai gốc Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã dành trọn những năm tháng thanh xuân cống hiến cho đội tuyển Đức?
Giấc mơ của người Đức đã kết thúc nhưng cơn ác mộng của Ozil thì mới chỉ bắt đầu. Người ta nói rất nhớ P. Lamh, M. Klose, B.Schweinsteiger, những thủ lĩnh tinh thần đích thực của tuyển Đức.
Nhưng ai sẽ nhớ những người đó bằng Ozil chứ! Quá bất công với Ozil khi đổ mọi thất bại của đội nhà lên đầu anh chỉ vì vẻ ngoài trông lúc nào cũng mệt mỏi của anh.
Trận đấu với Hàn Quốc, Ozil có 81 đường chuyền, tỷ lệ chính xác 85%, 4/5 lần rê bóng thành công, tạo ra 7 cơ hội và người ta gọi anh là “cầu thủ lười biếng nhất thế giới”.
Những con số chẳng bao giờ biết nói dối, chỉ có lòng người cay nghiệt và ích kỷ. Và quan trọng bóng đá là môn thể thao tập thể, riêng một cá nhân chẳng thể “tạo nên” một thất bại.
Ozil thất thần sau trận thua Hàn Quốc |
Đau đớn, không phải là khi bị cả thế giới quay lưng mà bị chính những người từng yêu thương, hết lòng vì ta quay lưng lại. Nhớ tới Euro 2016, cánh tay của Schweinsteiger cũng “góp phần” đưa tuyển Đức về nước nhưng cũng không ai đối xử với anh bằng cái cách người ta đang làm với Ozil.
Khi thua cuộc, người ta muốn tìm cách đổ lỗi cho một điều gì đó nhằm cứu rỗi sự ích kỷ của bản thân. Nhưng vì thế mà làm tổn thương người khác thì chẳng hay chút nào. Không ở bên nhau lúc thất bại thì nụ cười chung vui khi chiến thắng có ý nghĩa gì chứ!
Buồn cho một mùa hè nước Nga quá ngắn ngủi. Nhưng cũng có sao đâu, khi vui, khi buồn, chúng ta đã cùng nhau cười, cùng nhau ăn mừng và thì bây giờ cũng lại khóc cùng nhau, những người hâm mộ chân chính sẽ không bao giờ bỏ rơi các anh.
Ngày mai trời vẫn xanh, nắng vẫn đẹp mà, tất cả có thể bắt đầu lại. Xin được mượn một câu nói của Elisabeth Kubler - Ross: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu và từng mất mát, và tìm được đường ra khỏi vực sâu.”
Vẫn tin và vẫn chờ ngày các anh trở lại, nhưng vẫn xin cho tôi được buồn… hết ngày hôm nay thôi!
Tôi buồn cho kỳ World Cup đầu tiên của Marco Reus, khi một lần nữa định mệnh lại trêu ngươi anh.
Tôi buồn cho một Ozil đơn độc và lạc lõng.
Tôi buồn cho Toni Kroos chẳng thể viết tiếp câu chuyện thần kỳ của anh.
Tôi buồn vì đây có thể là kỳ World Cup cuối cùng của rất nhiều người.
Tôi buồn… 4 năm sau tình yêu thì vẫn còn nhưng nhiệt huyết sợ chẳng còn như hôm nay.
Bài viết dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Trần Thị Yến
Độc giả có thể gửi bài dự thi về email [email protected], những bài viết chất lượng tốt sẽ được đăng tải trên chuyên mục Ấn tượng World Cup và có cơ hội giành những phần thưởng hấp dẫn của chương trình. Xem chi tiết thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY! |